Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Hàng may mặc Việt có nhiều cơ hội vào Hàn Quốc


Việc Việt Nam và Hàn Quốc ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ khiến mặt hàng thủy sản, may mặc được giảm thuế và có thêm lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa các nước khác.
Tại hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam” tổ chức sáng 27/11 ở TP HCM, ông Kim Jong Sang, thương vụ Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP HCM (KOTRA) cho hay hàng hóa thủy sản, may mặc của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường Hàn Quốc khi hiệp định trên được hai nước ký kết.


Thống kê 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 412 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, còn xuất khẩu dệt may đạt 748 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện hàng thủy sản xuất sang Hàn Quốc phải chịu thuế 10-30%, hàng dệt may chịu thuế 10-20%, tùy theo từng nhóm mặt hàng. Hiện nay, Hiệp định FTA được Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hàn Quốc khởi động đàm phán.

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đứng thứ tư trong số 10 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2.823 dự án với tổng số vốn đạt 23 tỷ USD.

Riêng năm 2011, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư hơn 7,9 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại mới chỉ có hơn 9 triệu USD của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Hàn Quốc.

Đại diện Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc khuyến cáo khi gia nhập FTA, Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Năm 2008, khi gia nhập sâu vào FTA, chính phủ Hàn Quốc đã dành ra khoảng 20 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp để không bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối.

TNG lãi 45 tỷ đồng sau 10 tháng


Công ty dự kiến đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng đến năm 2020 để đón đầu các đơn hàng sản xuất nếu Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Thông tin ở buổi gặp gỡ cổ đông, nhà đầu tư tổ chức sáng nay (25/11) tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã CK: TNG) cho biết 10 tháng đầu năm, công ty đạt gần 1.150 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 80% và 90% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

TNG hoạt động chính trong lĩnh vực may mặc và các sản phẩm phụ trợ như bao bì may mặc, bông, thêu, giặt... Hiện thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ (chiếm 47% giá trị hàng xuất khẩu), EU (chiếm 21%), Canada và Mexico (chiếm 15%), Hàn Quốc (7%) và Nhật Bản 6,5%...

Liên quan đến việc Việt Nam đang đàm phán TPP, ông Thời cho biết đây là sự kiện mà tất cả các nhà sản xuất dệt may, da giày trong nước đều quan tâm. Hiện công ty đã lên kế hoạch đầu tư gần 1.150 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2020, cùng với mua thêm một dây chuyền sản xuất bông để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đánh giá lại các hợp đồng với khách hàng.

Tuy nhiên, đại diện TNG cũng lưu ý một vướng mắc là Việt Nam chưa có lộ trình tăng lương rõ ràng để tính toán đơn giá tiền công với đối tác. "Hiện nay có cái khó là tiền lương thay đổi. Nếu Chính phủ có lộ trình rõ ràng 10 năm tới tiền lương tăng bao nhiêu thì tính được ngay. Hiện nay chúng tôi vẫn nợ đối tác việc này", ông Thời nói
.